E7. 9 – Các Chức Vụ Trong Hội Thánh Tại Thành Phố Và Tư Gia – Cây Gậy Của Người Chăn Bầy

509

E7. 9 – Các Chức Vụ Trong Hội Thánh Tại Thành Phố Và Tư Gia

Cây Gậy Của Người Chăn Bầy
Bài của Leo Harris

Mục Lục
E7. 1 – Quyền Năng Của Sự Khao Khát Sâu Xa
E7. 2 – Quyền Năng Vô Hạn Của Sự Hiệp Nhất Tận Hiến
E7. 3 – Rao Giảng Đầy Đủ Về Tin Lành Của Đấng Christ
E7. 4 – Người Rao Giảng Và Dân Chúng Trong Sự Phục Hưng Tân Ước
E7. 5 – Hội Thánh Chung Và Các Hội Thánh Tư Gia Trong Tân Ước
E7. 6 – Hình Ảnh Hội Thánh Cơ Đốc Thời Tân Ước
E7. 7 – Chức Thầy Tế Lễ Của Hội Thánh Thời Tân Ước
E7. 8 – Các Chức Vụ Trong Hội Thánh Thời Tân Ước
E7. 9 – Các Chức Vụ Trong Hội Thánh Tại Thành Phố Và Tư Gia
E7.10 – Sự Trang Bị Siêu Nhiên Cho Hội Thánh tư Gia
E7.11 – Mỗi Hội Thánh Tư Gia Là Một Căn Cứ Truyền Giáo
E7.12 – Sự Kêu Gọi Của Mùa Gặt

Chương 9:
CÁC CHỨC VỤ TRONG HỘI THÁNH THÀNH PHỐ VÀ HỘI THÁNH TƯ GIA

Phần Dẫn Nhập

Chúng ta đã xem năm chức vụ ân tứ hoạt động trong Hội Thánh chung, trong toàn thể Thân Thể của Đấng Christ, bây giờ chúng ta sẽ nghiên cứu sơ qua những chức vụ có liên quan đến Hội Thánh tại thành phố và tại tư gia. Chúng ta thấy sự quản trị theo Tân Ước dựa trên Hội Thánh tại thành phố và tại tư gia.
Khuôn mẫu nguyên thủy đưa ra một hình ảnh về các Hội Thánh tư gia tự quản trong đó các trưởng lão coi sóc và nuôi dưỡng bầy chiên. Các Hội Thánh tư gia trong một thành phố này được các giám mục (người coi sóc) phối hợp và cùng hoạt động để mở rộng Vương quốc của Đức Chúa Trời.

Khi nói đến chức vụ ân tứ mục sư, chúng ta chú ý là có sự giống nhau nổi bật giữa chức vụ mục sư và chức vụ của một trưởng lão.
Sự khác nhau căn bản giữa hai chức vụ này là: chức vụ mục sư phục vụ trong Hội Thánh tư gia, cũng không nhất thiết phải gắn bó với một Hội Thánh tư gia nào. Đó là một ân tứ có thể phục vụ cho bất kỳ Hội Thánh tư gia nào muốn mời mục sư đến. Chức vụ mục sư phục vụ cho toàn thể Thân Thể của Đấng Christ.

Về cơ bản, có hai chức vụ trong Hội Thánh tại thành phố. Đó là chức vụ trưởng lão (phục vụ trong một Hội Thánh tư gia) và chức vụ chấp sự (phục vụ cho tất cả các Hội Thánh tư gia trong Hội Thánh tại thành phố).

Chẳng hạn trong thành Giêrusalem, có nhiều Hội Thánh tư gia. Hội Thánh tại thành phố này có 3.000 người mới tin vào ngày lễ Ngũ tuần và 5.000 người đàn ông (không kể phụ nữ và trẻ con) chỉ một thời gian ngắn sau đó (xem Cong 2:41, 44).
Họ nhóm thành những nhóm nhỏ trong nhà. Những người nào có tiền thì chia xẻ trực tiếp cho những người nghèo khi họ cần đến (2:44, 45).

Nhưng có một số người còn đi xa hơn bằng cách bán đất đai, tài sản rồi đem tiền đến cho các sứ đồ để cung cấp cho những ai có nhu cầu. Dường như số tiền này không do các trưởng lão trong các Hội Thánh tại tư gia giữ. Đúng hơn, số tiền này được giao cho các sứ đồ, và các sứ đồ chọn các chấp sự phân phát số tiền đó cho các bà góa và những người có nhu cầu (xem 4:34-37; 5:3; 6:1-7).

Trong Phi 1:1, Phaolô viết “Gửi cho hết thảy các thánh đồ trong Đức Chúa Jesus Christ ở thành Philíp (Hội Thánh ở thành phố này), cùng cho các giám mục và các chấp sự “. Giám mục là người chăm nom hoặc giám sát trưởng lão. Cũng xem Tit 1:5, 7. Chúng ta hãy xem xét chức vụ này kỹ càng hơn.

A. TRƯỞNG LÃO

1. Công Việc Của Họ

Trong Cong 20:1-38, chúng ta thấy Phaolô cho mời các trưởng lão tại Êphêsô “… Bấy giờ Phaolô sai người ở Milê đi tới thành Êphêsô, mời các trưởng lão trong Hội Thánh đến ” (20:17).
Phaolô nói với họ “Vì tôi không trễ nãi chút nào để tỏ ra cho biết hết thảy ý muốn của Đức Chúa Trời. Anh em hãy giữ lấy mình, và luôn cả bầy mà Đức Thánh Linh đã lập anh em làm kẻ coi sóc, để chăn Hội Thánh của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình ” (20:27, 28).

Ở đây Phaolô đang nói chuyện với CÁC TRƯỞNG LÃO và ông nói với họ rằng Thánh Linh đã lập họ làm KẺ COI SÓC (tiếng HyLạp là presbuteros và trong bản English Authorized Version dịch là “các giám mục” (bishops).
Vị sứ đồ bảo họ là phải NUÔI NẤNG bầy chiên là những người mà họ coi sóc. Điều này cho thấy mối quan hệ gần gũi giữa chức vụ mục sư và chức vụ trưởng lão, tuy nhiên ở đây không đòi buộc một chức vụ ân tứ nào.
Câu Kinh Thánh này và những câu khác trong Kinh Thánh cho chúng ta một kết luận sau về công việc của trưởng lão trong Hội Thánh tư gia:

a. Giữ Lấy Bầy.
Họ phải “giữ lấy. .. cả bầy mà Đức Thánh Linh đã lập họ coi sóc ” (20:28).

b. Nuôi Nấng Hội Thánh.
Họ cũng phải “nuôi nấng (chăn) Hội Thánh của Đức Chúa Trời (20:28, cũng xem IPhi 5:14).

c. Chăm Sóc Hội Thánh.
Họ phải “chăm sóc Hội Thánh của Đức Chúa Trời ” (ITi 3:5).

d. Khéo Cai Trị.
Trưởng lão phải biết “cai trị ” và là những người “khéo cai trị ” để được “kính trọng bội phần, nhứt là những người chịu chức rao giảng và dạy dỗ ” (5:17).

e. Giữ Đạo Thật.
Một trách nhiệm khác của một trưởng lão là phải “giữ đạo thật y như đã nghe dạy hầu cho có thể theo đạo lành mà khuyên dỗ người ta và bác lại kẻ chống trả ” (Tit Tt 1:9).

f. Có Khả Năng Giảng Dạy.
Người trưởng lão cũng phải “khéo (có khả năng ) giảng dạy ” (3:2).

g. Thăm Viếng Và Cầu Nguyện Cho Người Bịnh.
Trưởng lão phải sẵn sàng khi được mời đi thăm người bệnh và “cầu nguyện bởi đức tin ” (Gia 5:14, 15).

TÓM LẠI: Dường như cũng có những trưởng lão là sứ đồ (như Phierơ); có những người chịu trách nhiệm cả thành phố như các giám mục (giám sát, cai quản những người khác), có những người đặc biệt có ơn rao giảng và dạy dỗ, và có những người như những người cha thuộc linh trong một Hội Thánh tư gia vì tuổi tác hoặc tư cách của họ.

2. Phẩm Chất Của Họ
Phẩm chất cần thiết cho chức vụ trưởng lão được chép trong ITi 3:1-7 và Tit 1:6-9. Kết hợp hai đoạn này lại với nhau, chúng ta liệt kê được những phẩm chất cá nhân theo yêu cầu của Hội Thánh.
“Người giám mục cần phải không chỗ trách được, chồng của một vợ. .. có tiết độ, có tài trí, xứng đáng, hay tiếp khách và khéo dạy dỗ, đừng mê rượu, đừng hung bạo, phải mềm mại hòa nhã, lại đừng ham tiền bạc, khéo cai trị nhà riêng. .. chẳng kiêu ngạo. .. chẳng giận dữ. .. kẻo sa vào sự đoán phạt của ma quỉ. ..

“Là người khéo cai trị nhà riêng mình, con cái phải tin Chúa, không bị cáo là buông tuồng hoặc ngỗ nghịch, giữ con cái mình cho vâng phục và ngay thật trọn vẹn. .. Phải được người ngoại làm chứng tốt cho, kẻo bị sỉ nhục và mắc bẫy ma quỉ ”.
Do đó có thể thấy rằng đặc điểm nổi bật của một trưởng lão có phẩm chất theo Kinh Thánh nói nằm ở đời sống cá nhân của họ.
Về chức vụ thì người trưởng lão phải giảng dạy những gì mà chính mình đã được giảng dạy và biết chăm sóc bầy.

3. Đừng Quá Nhấn Mạnh Đến Cơ Cấu

Mặc dầu chúng ta đặt ra cơ cấu để bảo quản mùa gặt, và cơ cấu đó có thể quan trọng, nhưng người lãnh đạo Hội Thánh đừng quá nhấn mạnh đến điều này.
Điều gì quan trọng nhất? Rượu (mùa gặt) hay bầu rượu (là để bảo quản mùa gặt)?
Kinh Thánh trả lời cho câu hỏi này “… thợ cất nhà được tôn trọng hơn chính cái nhà ” (He 3:3). Chúa Jesus đang xây dựng cái nhà của Ngài (Hội Thánh). Nhưng chúng ta phải luôn tôn trọng Ngài hơn là chính cái nhà của Ngài.

Chức vụ lãnh đạo và chức vụ ân tứ rất cần thiết để gây dựng Hội Thánh. Cơ cấu lãnh đạo mà chúng ta nhận để bảo quản mùa gặt thì ít quan trọng hơn Chúa của mùa gặt (Chúa Jesus) hoặc chính mùa gặt (tín đồ).

Vì vậy đừng quá nhấn mạnh đến bầu rượu, cơ cấu, sự quản trị hoặc những công việc đó được tổ chức như thế nào. Hãy chấp nhận những gì đang có trong dân tộc và văn hóa của bạn. Hãy cầu xin Chúa ban cho bạn sự khôn ngoan và giúp bạn thiết lập cơ cấu tối thiểu có thể được.
Hãy nhớ rằng Hội Thánh Giêrusalem có trên 5.000 gia đình (khoảng 30.000 người hoặc hơn nữa) mà chỉ có bảy chấp sự và mười hai sứ đồ.

4. Chức Vụ Trưởng Lão Ở Địa Phương Bao Gồm Những Chức Vụ Ân Tứ.

Chức vụ ân tứ của mục sư và giáo sư được thiết lập trong Hội Thánh để phục vụ cho nhiều hội chúng. Nhưng trưởng lão thực hiện một chức vụ tương tự trong Hội Thánh tư gia tại địa phương. Các mục sư có thể đến và đi, các giáo sư cũng có thể đến và đi nhưng các trưởng lão thì vẫn cứ ở lại trong Hội Thánh tư gia đó.

Năm chức vụ ân tứ (trong hầu hết các trường hợp) là những trưởng lão hay đi lại. Dường như chức vụ trưởng lão của một Hội Thánh tư gia có thể bao gồm một hoặc tất cả năm chức vụ ân tứ này. Ít ra cũng có bằng chứng là Phierơ là một sứ đồ, cũng là một trưởng lão “… Tôi gửi lời khuyên nhủ này cho các bậc trưởng lão trong anh em, tôi đây cũng là trưởng lão như họ ” (IPhi 5:1).

Một trưởng lão của một Hội Thánh thành phố hoặc một Hội Thánh tư gia cũng có thể có chức vụ ân tứ sứ đồ như Phierơ. Như trong Hội Thánh tại Antiốt (Công-vụ 13;1-3), có thể có những người có chức vụ ân tứ tiên tri, giảng tin lành, mục sư hoặc giáo sư. Họ gọi đây là Hội Thánh tư gia.

Trong trường hợp này, những người này có thể hầu việc trong chức vụ trưởng lão ở Hội Thánh tư gia của họ, tuy nhiên chức vụ của họ lại hoạt động ở mức độ rộng hơn nhiều, có ích lợi cho toàn thể Thân Thể của Đấng Christ.
Cũng vậy, một người có thể có một chức vụ ân tứ nhưng vì một lý do nào đó lại không đủ phẩm chất để làm một trưởng lão trong một Hội Thánh tư gia.
Nếu như vậy, chúng tôi tin rằng chức vụ ân tứ đi đây đó phải đầu phục các trưởng lão là người Đức Chúa Trời đặt để trong Hội Thánh tư gia.

Từ những điều này chúng ta có thể nói tóm lại rằng chức vụ trưởng lão là người coi sóc ở địa phương và được chỉ định theo những phẩm chất cá nhân nào đó. Những chức vụ ân tứ là do Đức Chúa Jesus Christ ban cho để phục vụ Hội Thánh của Ngài trong nhiều địa phương trên đất này theo ý chỉ của Ngài.

B. CÁC CHẤP SỰ

1. Công Việc Của Họ

Từ “chấp sự” nghĩa là “đầy tớ”. Công việc của chấp sự là phục vụ những nhu cầu thực tế của người lãnh đạo và các chi thể của Hội Thánh thành phố và Hội Thánh tư gia. Chấp sự có thể có nhiều cách phục vụ những nhu cầu của Hội Thánh thành phố nhưng tùy mỗi Hội Thánh và trường hợp cụ thể người ta có thể thấy được những nhu cầu cần phục vụ.

Nói chung, chúng ta nên hiểu rằng các chấp sự có trách nhiệm lo về những khía cạnh vật chất (tài chánh) cho công việc của Hội Thánh tại thành phố. Nhờ đó người thi hành chức vụ và người coi sóc được rãnh tay để chuyên quan tâm đến những nhu cầu và tình trạng thuộc linh của Hội Thánh.

2. Những Phẩm Chất Của Họ

Trong ITi 3:8-13 đã liệt kê tất cả những phẩm chất cá nhân của một chấp sự. Những phẩm chất này bao gồm tất cả những khía cạnh về nhân cách, thuộc linh và đời sống gia đình có trật tự.
Theo bản Living Bible, câu 13 đưa ra một lời hứa cho những chấp sự trung tín “Ai thực hiện tốt chức vụ chấp sự thì sẽ được ban thưởng bởi sự kính trọng của những người khác cũng như được gia tăng lòng tin chắc và sự trông cậy dạn dĩ nơi Chúa ”.
Mọi Hội Thánh năng động tại một thành phố nào đều cũng biết đến giá trị của những chấp sự trung tín và có năng lực.

C. NHỮNG CHỨC VỤ KHÁC

Trong Cong 6:1-6, chúng ta thấy có sự lựa chọn bảy người được đầy dẫy Thánh Linh để giúp cho các sứ đồ rãnh rỗi để chuyên tâm cầu nguyện và có chức vụ Lời.
Một số người cho rằng có lẽ những người này là những chấp sự đầu tiên. Nhưng trong Kinh Thánh không nói đến điều này. Tuy nhiên, ở đây chúng ta thấy nguyên tắc về sự phân biệt giữa nhiệm vụ thuộc linh và nhiệm vụ lặt vặt tốn hết thời gian có liên đới thế nào với Hội Thánh tại thành phố và Hội Thánh tại tư gia.

Trở lại ICo12:28, chúng ta thấy có liệt kê một số chức vụ và công việc Chúa đã thiết lập trong Hội Thánh bao gồm sự “giúp đỡ” và “quản trị”. Bản Kinh Thánh Tân Ước Diễn Ý và bản dịch Moffatt đã dịch những từ này là “người giúp đỡ” và “người quản trị”.
Những người lãnh đạo hầu việc Chúa ở những nhóm lớn hơn hoặc trên nhiều Hội Thánh tư gia trong một thành phố, có thể bổ nhiệm những người giúp đỡ trong tổ chức và quản trị những công việc của Hội Thánh thành phố.

Nhiều Hội Thánh đã chỉ định các ban chấp sự để coi sóc những vấn đề liên quan đến công việc của Hội Thánh. Điều này được chứng minh là rất hiệu quả, đặc biệt trong việc xử lý các yêu cầu về tài chánh và trật tự của Hội Thánh.

Theo nguyên tắc chung, chúng ta thấy có nhiều người có phẩm chất để làm các chấp sự nhưng không nhất thiết được trang bị để xử lý những công việc liên quan đến sự quản trị.
Do đó chúng ta thấy ưu điểm cần phải có một ban chấp sự được chỉ định để đáp ứng những nhu cầu này và để phục vụ Hội Thánh dưới sự giám sát của các trưởng lão.

D. KẾT LUẬN

Tóm tắc các chức vụ hoạt động trong Hội Thánh tư gia, chúng ta biết rằng Chúa đã chỉ định:
* Những trưởng lão là những người quản trị và giám sát những nhu cầu thuộc linh của Hội Thánh, mặc dù chức vụ trưởng lão cũng bao gồm những anh em có những chức vụ ân tứ.
* Các chấp sự được chỉ định để coi sóc vấn đề vật chất (tài chánh) về những hoạt động của Hội Thánh tại tư gia. Kinh Thánh Tân Ước cũng cho phép chỉ định những người có phẩm chất tốt để khuyên lơn, an ủi và góp ý trong công tác quản trị của Hội Thánh tại thành phố và tư gia.
Tuy nhiên tất cả các hoạt động phải ở dưới sự giám sát thuộc linh của trưởng lão địa phương.